Một biểu tượng tại Việt Nam Dép_lốp

Tại Việt Nam, dép lốp còn được gọi là dép cao su

Dù nhiều nguồn tin gán cho Đại tá Hà Văn Lâu là tác giả của ý tưởng đôi dép lốp, nhưng chính ông cũng thừa nhận mình chỉ sử dụng lại cách thức của những người phụ xe dùng mo cau hay vỏ ruột xe kéo làm những đôi dép. Năm 1947, nhân thấy ông Nguyễn Văn Sáu (tức Sáu Đen) có một số săm lốp ô tô cũ, ông Hà Văn Lâu đã đề nghị ông Sáu Đen chế tạo những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ và êm, lội nước và bùn rất thuận tiện, bảo vệ bàn chân trong hầu hết trường hợp giẫm lên cả mẻ chai, thép gai, lửa đỏ.[1]

Sự tiện lợi của đôi dép lốp dẫn đến việc nó trở nên phổ biến tại Việt Nam trong cả hai cuộc chiến tranh, trở thành một biểu tượng nổi tiếng của những người Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần sử dụng dép lốp trong sinh hoạt thông thường[1][2], thậm chí trong cả một số trường hợp ngoại giao[3]. Noi gương lãnh tụ, nhiều lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thời kỳ chiến tranh đều có ít nhiều sử dụng dép lốp.[4]. Mức độ phổ biến trong việc sử dụng dép lốp của Hồ Chí Minh và những người ủng hộ ông có ảnh hưởng đến nỗi nhiều người Mỹ gọi dép lốp bằng danh từ "Ho Chi Minh sandals"[5][6].

Sự nổi tiếng của dép lốp Việt Nam dẫn đến rất nhiều tác phẩm mô tả về nó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.[7]. Riêng bài thơ "Đôi dép Bác Hồ" được nhạc sĩ Văn An ở Nam Định phổ nhạc đã đi vào lòng người dân Việt Nam hơn nửa thế kỷ.

Mặc dù dép lốp ngày nay không còn phổ biến tại Việt Nam như một biểu tượng của gian khổ, nhưng dép lốp vẫn còn được bán rất nhiều như một vật lưu niệm của khách du lịch hoặc những nhà sưu tập[8], thậm chí đôi khi được xem như một xu hướng thời trang của giới trẻ.

Liên quan